KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Năm 1992, nhận thấy Tin học là một ngành đào tạo mà xã hội có nhu cầu, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là trường Đại học Quy Nhơn – ĐHQN) đã liên kết với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đào tạo cử nhân ngành Tin học, và đây được xem là khởi đầu cho việc hình thành khoa Công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay. Với việc liên kết đào tạo này, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn đã là nơi đào tạo ngành Tin học khá sớm của khu vực miền Trung và Tây nguyên. Cũng từ đó, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn bắt đầu đào tạo cán bộ, chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm đáp ứng cho việc đào tạo một ngành mới đó là ngành Tin học.
Với nhu cầu ngày càng tăng của nhân lực Tin học, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng sinh viên theo học ngành Tin học cho thấy xu hướng phát triển và tầm quan trọng của lĩnh vực Tin học trong phát triển Khoa học công nghệ và Kinh tế xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, ngày 14 tháng 5 năm 1999, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 1649/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Khoa Tin học, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Lúc này, đội ngũ giảng viên của Khoa chủ yếu là các giảng viên từ tổ Toán ứng dụng thuộc khoa Toán được cử đi đào tạo về Tin học và một số sinh viên Tin học giỏi sau khi tốt nghiệp được giữ lại Khoa. Và cũng trong năm học 1999 – 2000, sau 7 năm liên kết đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn chính thức được tuyển sinh đào tạo và cấp bằng cử nhân Tin học. Đây là bước ngoặt lớn có ý nghĩa tác động mạnh mẽ tới quá trình phát triển của Khoa sau này.
Cùng với sự phát triển của Trường Đại học Quy Nhơn và sự phát triển nhanh chóng của CNTT, đến năm 2010, Khoa đổi tên thành Khoa CNTT nhằm định hướng đào tạo gắn với công nghệ và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Đến nay, sau một thời gian xây dựng và phát triển, vượt qua những khó khăn ban đầu, Khoa CNTT đã và đang khẳng định vị thế trong đào tạo lĩnh vực CNTT ở Việt Nam. Hiện nay, Khoa CNTT được biết đến như một đơn vị với đội ngũ trẻ, năng động, đoàn kết, với chiến lược đào tạo và quyết tâm phát triển hướng tới tiêu chuẩn chất lượng và đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Từ chỗ chỉ có 1 ngành đào tạo trình độ đại học, đến nay Khoa đã đào tạo thạc sĩ ngành Khoa học máy tính, 3 ngành đào tạo trình độ đại học là Sư phạm Tin học, CNTT (với 4 chuyên ngành: Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính), Kỹ thuật phần mềm (hệ kỹ sư). Để áp ứng nhu cầu của xã hội, ngoài việc đào tạo sinh viên chính quy, Khoa còn tham gia đào tạo hình thức vừa làm vừa học liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học ngành CNTT, Sư phạm Tin học cho các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây nguyên như Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, góp phần quan trọng vào đào tạo nhân lực CNTT cho các tỉnh trong khu vực và trên cả nước.
Nhiều sinh viên của Khoa sau khi ra trường đã tiếp tục học tập nâng cao trình độ và đang tham gia giảng dạy trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, các công ty chuyên về CNTT, các tập đoàn đa quốc gia,… Nhiều cựu sinh viên đã quay lại giúp Khoa trong việc đào tạo các thế hệ sinh viên tiếp theo với kinh nghiệm làm việc thực tế của mình.
Hiện nay, Khoa đã xây dựng được một đội ngũ gồm 35 cán bộ, giảng viên trong đó có 10 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh, 18 thạc sĩ, 2 cử nhân. Nhiều giảng viên của Khoa được đào tạo tại các nước có nền CNTT phát triển mạnh như Pháp, Úc, Đài Loan, Rumani,… Khoa CNTT được tổ chức thành 4 bộ môn là Bộ môn Khoa học máy tính, Bộ môn Hệ thống thông tin, Bộ môn Công nghệ phần mềm, Bộ môn Mạng và Phương pháp dạy học.
Trong những năm qua, Khoa CNTT đã đào tạo được hơn 4000 sinh viên, học viên. Hằng năm, Khoa tuyển sinh hơn 300 sinh viên đại học, học viên cao học. Những sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp đã góp phần đáp ứng được nhu cầu nhân lực ngày càng cao của ngành CNTT trong khu vực cũng như trên cả nước. Bên cạnh đó, tập thể cán bộ và giảng viên của Khoa đã tham gia giảng dạy bộ môn Tin học cho hàng chục ngàn sinh viên của Trường, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi tin học cho các học sinh chuyên Tin học của tỉnh Bình Định, Phú Yên và đạt nhiều thành tích cao. Song song với việc đào tạo, đội ngũ cán bộ của Khoa còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đã tham gia chủ trì 6 đề tài cấp Bộ và tương đương, công bố trên 100 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, tham gia phản biện, đánh giá nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ cho tỉnh Bình Định. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo và bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, Khoa đã xây dựng một chương trình đào tạo linh hoạt, cập nhật, kết hợp giữa kiến thức cơ bản với các nội dung hiện đại, các công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT, định hướng chuyên sâu, nhằm đào tạo được nguồn nhân lực CNTT có chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trong khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang hình thành và phát triển, nhu cầu nhân lực về CNTT rất lớn. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với Khoa. Nắm bắt được cơ hội đó, Khoa CNTT nhanh chóng cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, liên kết, hợp tác với các công ty phần mềm trong nước, các đơn vị sử dụng lao động CNTT để phối hợp đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Trong năm 2017, được sự đồng ý của Trường, Khoa đã đề xuất Trường ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty FPT Software Đà Nẵng, GameLoft Đà Nẵng, TMA Solutions – Tp. Hồ Chí Minh. Sự hợp tác này sẽ hứa hẹn nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy, tạo ra những giá trị mới và cùng nhau chia sẻ những giá trị đó. Việc ký kết biên bản ghi nhớ này không chỉ mở đầu quan hệ hợp tác, mà còn là sự chia sẻ tầm nhìn công nghệ, sự hỗ trợ trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Khoa CNTT kỳ vọng vào những bước đi mang tính thực tiễn này nhằm tìm kiếm giải pháp, định hướng đào tạo mang lại hiệu quả cao nhất.
Dựa trên mục tiêu và sứ mệnh của Trường ĐHQN, Khoa CNTT đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực để thành công với sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành CNTT có chất lượng; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên cơ sở phát huy thế mạnh về khoa học cơ bản; Tiếp cận các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và khu vực. Trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT. Hợp tác với các tập đoàn công nghệ, các công ty phần mềm có uy tín trong nước trong việc phối hợp đào tạo, triển khai thực hiện các dự án CNTT thực tế ngay trong môi trường giáo dục. Sáng tạo và chuyển giao những kết quả, sản phẩm khoa học công nghệ; tạo ra các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT. Đó là những định hướng chiến lược lâu dài hướng đến của Khoa CNTT.