Vĩnh Thạnh đặc mục tiêu đưa ứng dụng CNTT gắn với thúc đẩy cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc hành chính qua môi trường mạng để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong điều kiện hiện nay.
Trong năm 2017, huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị CNTT trang bị cho Văn phòng HĐND huyện và UBND các UBND các xã, thị trấn. Cụ thể, đã trang bị cho Văn phòng HĐND huyện và UBND 09 xã, thị trấn 11 máy Scan; tiếp nhận và chuyển giao 16 thiết bị lưu khóa bí mật cá nhân và 01 thiết bị lưu khóa bí mật tổ chức để áp dụng chữ ký số tại UBND huyện và các phòng, ban trực thuộc.
Trang thông tin điện tử của UBND Huyện
Hệ thống thư điện tử công vụ, Văn phòng điện tử (VPĐT) đã được đưa vào khai thác, sử dụng đồng bộ tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện. Tính đến nay, 100% phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn sử dụng thư điện tử công vụ và VPĐT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc; 100% cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ và tài khoản VPĐT. 60% văn bản điện tử đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trên tổng số văn bản đi/đến trong nội bộ cơ quan, đơn vị. 30% văn bản điện tử đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trên tổng số văn bản đi/đến với các cơ quan bên ngoài và đã triển khai ứng dụng chữ ký số trên các văn bản điện tử.
Trang thông tin điện tử (TTĐT) huyện cung cấp đầy đủ thông tin, trong năm 2017 đã đăng tải hơn 1.500 tin, bài phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành và phản ảnh các hoạt động trên các lĩnh vực của UBND huyện; Trang TTĐT huyện đã cung cấp đầy đủ các DVCTT mức độ 1, 2 thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện. Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh đã cung cấp 114 thủ tục hành chính (TTHC) trên cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh (Trong đó DVCTT mức độ 1, 2 là 109 TTHC; DVCTT mức độ 3 là 05 TTHC).
Công tác đào tạo, tập huấn về CNTT cho cán bộ cũng được chú trọng, trong năm 2017, huyện Vĩnh Thạnh đã cử 26 lượt cán bộ tham gia lớp tập huấn về an toàn, an ninh thông tin do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. Tổ chức chuyển giao, hỗ trợ sử dụng hệ thống VPĐT, thư điện tử công vụ và ứng dụng chữ ký số cho hơn 350 cán bộ, công chức tại các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Vĩnh Thạnh đặc mục tiêu cho năm 2018, 100% các phòng, ban thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn sử dụng hệ thống VPĐT; 70% cán bộ, công chức cấp huyện và 50% cán bộ, công chức cấp xã sử dụng thư điện tử công vụ; 70% văn bản điện tử đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trên tổng số văn bản đi/đến trong nội bộ các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện (trừ các cơ quan đảng, công an, quân sự, cơ quan ngành dọc cấp trên); 50% văn bản điện tử đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trên tổng số văn bản đi/đến với các cơ quan ngoài huyện; 95% cán bộ, công chức cấp huyện, 65% cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng cơ bản yêu cầu ứng dụng CNTT phục vụ công việc chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị.
Để đạt mục tiêu trên, huyện Vĩnh Thạnh đã đề ra các giải pháp: Đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT cho các lực lượng xã hội, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin qua mạng, đặc biệt là sử dụng các DVCTT nhằm giảm thời gian và chi phí cho người dân, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT phục vụ việc triển khai, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin đã được đầu tư.
Nguyễn Thanh